DỊCH VỤ NHA KHOA

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Có nên nhể nanh sữa cho trẻ sơ sinh?

Nanh sữa là một tổn thương lành tính, ít gây biến chứng và phần lớn tự tiêu biến sau khoảng từ 2 tuần đến 5 tháng. Trẻ mọc nanh sữa thường quấy khóc, biếng ăn gây nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ. Để giải quyết tình trạng này, trẻ thường được đưa đến các cơ sở y tế để nhể hay chích nanh. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào hay thậm chí là nhân viên y tế nào cũng có hiểu biết chính xác về nanh sữa và những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của trẻ. Liệu việc chích nanh sữa có thật sự cần thiết cho mọi trường hợp hay không là vấn đề đáng được quan tâm và tìm hiểu.



Vì sao trẻ mọc nanh sữa?

Nanh sữa hay đẹn là tên thường gọi trong dân gian để chỉ một hay nhiều đốm nhỏ màu trắng trên lợi của trẻ sơ sinh. Cho đến nay nhiều người vẫn nhầm tưởng đây là biểu hiện của tình trạng thừa canxi ở trẻ, hay có khi là vết đóng cặn của sữa do không vệ sinh răng miệng tốt hoặc một loại bệnh nguy hiểm nào đó. Nanh sữa là nang lợi ở trẻ sơ sinh có tên khoa học Gingival Cyst of Newborn hay nang lá răng (Dental Lamina Cyst) là một loại tổn thương lành tính hay gặp của niêm mạc miệng trong một thời gian ngắn ở trẻ sơ sinh.


Biểu hiện lâm sàng là một hay nhiều nốt màu trắng hoặc vàng nhạt ở nông ngay dưới bề mặt niêm mạc lợi hàm trên, hàm dưới của trẻ. Kích thước mỗi nang thường vào khoảng 2 - 3mm, có trường hợp to đến một centimet nhưng hiếm gặp.

Nên vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên để phát hiện nanh.

Nanh sữa có gây nguy hiểm?

Nanh sữa khá thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 0 - 3 tháng, là một tổn thương lành tính, ít gây biến chứng và phần lớn tự tiêu biến sau khoảng từ 2 tuần đến 5 tháng. Các bậc làm cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, chỉ nên chích nhể khi trẻ có dấu hiệu đau, khóc, bỏ bú… và việc chích nhể chỉ có vai trò giúp nanh nhanh tiêu biến chứ không có tác dụng phòng tái phát. Để lấy bỏ nanh sữa, nên đưa trẻ đến nha sĩ để đảm bảo việc điều trị và có lời tư vấn chăm sóc hợp lý.

Nanh sữa hay gặp ở trẻ sơ sinh từ 0 - 3 tháng tuổi, một số trường hợp gặp muộn hơn nhưng hiếm khi gặp trên 8 tháng tuổi, và nó xuất hiện ở hơn một nửa số trẻ mới sinh. Tuy nhiên tỷ lệ thực tế có thể còn cao hơn nữa do đây là một tổn thương lành tính, xuất hiện trong thời gian ngắn, ít khi gây đau đớn cho trẻ và thường tự vỡ rồi biến mất trong khoảng 2 tuần do vậy thường được bỏ qua không đến khám ở cơ sở y tế. Trường hợp nang to có thể tồn tại đến 5 tháng mà không gây biến chứng gì.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét